Luật quy định từ năm 2018 người nước ngoài cũng phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, vậy khi nào áp dụng? Người nước ngoài di chuyển nội bộ (công ty mẹ điều sang theo nhiệm kỳ) thì có tham gia BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) không? Khi về nước, họ được hưởng quyền lợi như thế nào? (CÔNG TY FAPV, quận 7, TPHCM)
Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Luật BHXH quy định người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc. Quy định này có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2018. Còn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT. Như vậy, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên theo đúng quy định pháp luật thì thuộc đối tượng tham gia BHYT, mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động.
Hiện nay, Bộ LĐTB-XH đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện việc đóng BHXH cho lao động là người nước ngoài. Việc đóng BHXH cho lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ được thực hiện khi có nghị định hướng dẫn. Do đó, hiện nay cơ quan BHXH chưa thực hiện thu BHXH cho đối tượng này.
Công ty có người nước ngoài làm việc theo 2 dạng: điều chuyển từ công ty mẹ theo thư bổ nhiệm, đối tượng này tham gia bảo hiểm bắt buộc tại Nhật Bản (bao gồm cả BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp); ký hợp đồng lao động trực tiếp tại Việt Nam, đối tượng này hiện không tham gia bảo hiểm tại Nhật. Vậy chính sách bảo hiểm bắt buộc của 2 đối tượng trên theo quy định của pháp luật Việt Nam ra sao? Trường hợp người lao động, đặc biệt là đối tượng 1, không đồng ý tham gia bảo hiểm tại Việt Nam do ảnh hưởng đến thu nhập, thì sao? (Công ty TNHH Tư vấn quản lý chuyên nghiệp AUREOLE, quận 1, TPHCM)
Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, có hưởng tiền lương tại Việt Nam thì thuộc đối tượng tham gia BHYT. Mức đóng BHYT cho người lao động nước ngoài là 4,5% tiền lương, tiền công tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%, người lao động đóng 1,5%. Tiền lương, tiền công đóng BHYT là mức tiền lương, tiền công tháng ghi trên hợp đồng lao động. Trường hợp mức tiền lương, tiền công này cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHYT bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.
Về việc đóng BHXH cho người lao động nước ngoài, Bộ LĐTB-XH và các bộ ngành liên quan đang xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện. Theo Luật Việc làm, người nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ Khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Thực hiện theo quy định trên, trường hợp người nước ngoài được điều chuyển từ công ty mẹ theo thư bổ nhiệm không được cấp giấy phép lao động, không ký hợp đồng lao động tại Việt Nam thì không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.
Nguồn tin từ website : ketoanbanthoigian.com
Hỗ trợ tư vấn : Ms Hằng 0937319194